Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

"Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau..."


Những ngày này, tôi bị hội chứng của sự tan vỡ. Kể từ sau khi rơi nước mắt bởi tập 4 và 5 của "Mặt trăng ôm mặt trời. Tôi bắt đầu tìm đến những bài nhạc chỉ cần vang lên có thể khiến trái tim ta tan vỡ ngay, những bài thơ có thể vang thành giai điệu da diết trong lòng ngay cả khi đọc lần đầu tiên, những cuốn sách bất hủ với những câu nói bất hủ mà mỗi chúng ta nhìn thấy mình trong ấy, ở bất cứ thời điểm nào của cuộc đời.


Và bắt đầu nhiều tiếng đồng hồ một mình trong không gian kín với nước mắt.


Xã hội ngày càng đi đến điểm cùng của nó. Những giá trị tốt đẹp chỉ còn trong dĩ vãng và niềm tiếc nuối của mỗi chúng ta. Khi mà mỗi bộ phim ra đời đều gắn mác bom-tấn hoặc không-bom-tấn để thu hút sự chú ý của người xem. Mỗi tập phim phát sóng xong, ratting trở thành sự quan tâm cấp bách nhất của nhà sản xuất. Âm nhạc cũng vậy. Sân chơi cho âm nhạc chính thống và sống mãi với thời gian ngày càng ít. Độc giả chỉ còn quan tâm xem trên sân khấu, cô ca sĩ này mặc váy ngắn đến đâu, chân có dài không, ngực có bốc không, có lộ hàng không, sau khi lộ hàng thì ai lên tiếng và ai phạt. Sự kiện cô ca sĩ nào đó bị lộ hàng, xin lỗi và đợi bị phạt kéo dài cả chục bài báo hoặc nhiều hơn thế nữa và trải trên tất cả các trang mạng. Còn sự kiện gì đó của âm nhạc chính thống nói riêng và nghệ thuật nói chung chỉ vỏn vẹn 1 cái tin thông báo ngày giờ, địa điểm và cái tin thông báo thành công tốt đẹp với giải thưởng thuộc về ai đó hay bài hát gì đó.


Gần đây nhất, sự kiện bé Quỳnh Anh bị búa rìu dư luận vùi dập. Đành rằng giọng hát của bé không tốt. Nhưng có bao người khác tham gia VNs got tallent có giọng hát không tốt, tại sao lại là bé? Lỗi phải gì cũng ở người lớn. Cả những lời nói của anh trai, ba và mẹ cũng là người lớn. Sự phản pháo của ban tổ chức chương trình chẳng phải cũng là của người lớn hay sao? Một đứa bé mới 15 tuổi, em biết phải làm gì khi mọi chuyện diễn ra như thế!? Suốt quãng đời còn lại sau này, em có còn dám bước lên sân khấu nào nữa hay không?


Tôi nhớ đến lần cuối cùng trong đời mình đầu tư cho một bài nói trước đám đông và dũng cảm đứng lên trước đám đông nói lên những gì mình nghĩ. Ấy là năm lớp 11. Khi ấy, tôi 17 tuổi, để bênh vực cho một ai đó tôi đã từng tin trong quá khứ. Sau đó, không có chuyện gì quá lớn xảy ra. Giải thưởng chung cuộc không thuộc về tôi hay người cùng thi với tôi. Nó biến thành món quà trao đều cho cả hai. Vì, kết quả ban đầu, giải nhất được dự định sẽ trao cho tôi. Nhưng sau bài nói của tôi, tất cả đã tan vỡ. Không một tiếng vỗ tay, không một lời chê bai từ khán giả. Bài nói của tôi kết thúc trong sự xôn xao, nhìn nhau của tất cả. Và tôi, đó là lần cuối cùng tôi ngẩng cao đầu bước lên và xuống một sân khấu. Và thầy cô giáo tôi, không một lời khuyên răn, chỉ có nụ cười trao cho tôi. Nụ cười với nhiều cung bậc mà đã 4 năm trôi qua, tuổi của tôi đã dày lên theo sự đen đúa của làn da và sự câm lặng của suy nghĩ, tôi vẫn không thể nào phân tích thấu nổi nụ cười ấy.


Và về người ấy - người mà tôi đã từng tin, nghĩa là bây giờ không còn tin nữa. Cũng là một sự đổ vỡ lớn lao trong đời tôi, mà có lẽ suốt đời này tôi sẽ không quên.


Sẽ không quên!




Em trai tôi bước vào ngưỡng tuổi 16. Còn bé dại đến nỗi còn cho rằng lời răn dạy của ba mẹ là dạy đời. Em tôi chưa thể hiểu rằng nếu ba mẹ không là người dạy mình, thì còn ai có đủ tư cách dạy nữa? Và nếu em không thấm thía những bài học bây giờ ba mẹ dạy, thì chỉ vài giây phút sắp tới trong đời thôi, khi em vấp ngã vì bồng bột, sự trả giá ấy đắt lắm em ạ! Đắt hơn gấp vạn lần một cái tát hay vài câu mắng của ba mẹ. Bởi vì, không ai trên đời này sẵn sàng dạy dỗ em những bài học vô giá như ba mẹ. Em đi học mỗi ngày ở trường, cũng phải trả bao nhiêu chi phí. Và sau này, càng lớn, chi phí cho mỗi điều em học được sẽ ngày càng đắt theo tuổi đời và những nơi em sẽ đến.


Em tôi 16, bé dại như thế. Và tôi ngày 17, cũng ngây thơ đến vậy. Thì hỏi Quỳnh Anh 15, được cưng như trứng từ bé, em sẽ đối diện thế nào với bài học đầu đời này?!


Xã hội này, trong đôi mắt non nớt và chật hẹp của tôi, ngày càng ít những giảng đường mà người ta có thể hét lên trong tình yêu và niềm nhiệt huyết với nó. Đã lâu, từ ngày biết lớn, tôi không còn đủ ham thích để dang tay hét lên với bất cứ điều mới mẻ gì. Những gì tôi học được, phải trả giá bằng nước mắt, đau khổ và sự co cụm, tiêu biến cái tôi theo ngày, theo tháng. 


*
*        *


Cô độc đẩy tôi vào những khúc tình của Trịnh. 


"Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau..."


Và sau hết những mất mát, đau lòng, thì Scartlet vẫn tự đứng lên và nói: "Suy cho cùng, thì ngày mai cũng là một ngày mới...".


Và ngày sau, sỏi đá và chiếc mùi xoa của tôi sẽ về với tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết lời bình vào đây bạn nhé!!