Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Phía trước


Cả một thời thơ ấu, tôi ngửa cổ lên trời mỗi chiều để ngóng chờ những cánh diều, lòng luôn có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi. Sau này tôi mới biết đó là khát vọng.

Sáng sớm thức dậy, nghe đám trẻ học trò má đọc to bài tập đọc lớp Bốn. Có một thời, tôi cũng như cậu bé trong bài tập đọc, chiều chiều ngửa cổ lên trời ngóng chờ những cánh diều. Tôi đã biết định nghĩa đó là khát vọng từ khi nào vậy nhỉ!? Hay tận bây giờ tôi mới biết đó là khát vọng?! Đôi khi có những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống lại đánh thứ cái gì to lớn lắm trong trái tim con người.


Mới vừa trải qua một cuộc thi. Bao nhiêu công sức ôn tập từ hè đến giờ đổ sông đổ biển. Đề không hề có chút kiến thức nào trong đề cương ôn. Mình bị hỏng kiến thức bài Đời thừa cuả Nam Cao, hỏng nặng. Lần đầu tiên, mình ý thức sâu sắc nhất sự thiệt thòi khi mình học ban A. Chương trình Ngữ văn cơ bản của ban A không hề có Đời thừa. Mình chỉ đọc một lần duy nhất cách đây 2 năm. Đề cương ôn thi cô giáo cho lại không có Đời thừa. Thế mà, đề lại cho Đời thừa. Đọc đề, mình thật sự hoảng sợ. 15 phút đầu giờ, mình đã nghĩ chắc chắn mình không làm nổi bài.

Thế mà cuối cùng vẫn phải làm. Nghĩ gì làm nấy. Có cảm giác như làm cái gì đó không phải của mình. Đôi khi, người ta hay lặp lại những điều cũ rích như vậy đấy em!, anh cười và nói vậy. Ừ! Nhiều khi người ta hay lặp lại những điều cũ rích và quẩn quanh như vậy đấy! Không muốn làm, nhưng rồi cũng phải làm. Vì một lẽ thường tình, không làm thì đồng nghĩa với thất bại. Vậy đấy!

Chiều, thầy lo lắng hỏi: Làm được không em? Dàn ý sao nói thầy nghe. Vậy mà dàn ý của mình lại đúng, chính xác nữa là đằng khác. Mình đã vượt qua, hay đã không vượt qua!? Vượt qua sự hoảng loạn của bản thân, hay không vượt qua những điều thường tình mà mình rất ghét!?
À! Có điều này. Câu 1 của đề cho bài Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi. Bài này không có trong chương trình và đã được phổ nhạc. Ngày bé, mình rất thích và hay nghe đi nghe lại bài này. Khi làm bài, chẳng hiểu sao giai điệu bài hát cứ ngân nga trong đầu. Mình vừa làm vừa lẩm nhẩm hát, rồi cảm và bình bài qua giai điệu bài hát. Cứ như một chuyến phiêu lưu. Nhưng nghĩ lại, thấy cũng hay. Lúc ấy, tâm hồn mình ở đâu nhỉ!? Trên trang giấy, hay ở giọng nam cao thính phòng hát bài Lá đỏ!?

Qủa thực, mình rất sợ rớt. Thi xong sợ rớt là lẽ thường tình, mọi người nói vậy. Nhưng mình thấy sợ quá! Nếu không đậu vào đội tuyển, không được học tiếp, mình sẽ làm gì tiếp theo đây!? Mấy ngày nay, mình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng tìm hoài mà chẳng thấy. Mình sẽ lại tiếp tục con đường mà mình cố gắng thoát khỏi!? Hằng ngày đi học cua, chạy mòn chân hết cua này đến cua khác. Tiếp tục làm những bài toán, học những phương trình, công thức. Những điều thường tình đến mệt mỏi. Nhưng những điều thường tình ấy không hề có trong khái niệm của mình. À không! Chính xác là đã từng có, nhưng đó không phải con đường của mình, và cũng không phải con đường mình muốn đi.


Hay mình sẽ xin lỗi thầy!? Em đã không làm được thầy ạ!. Ừ! Mình đã không làm được. Thất vọng là cảm giác thế nào nhỉ!? Chắc là khó chịu. Thầy có mắng mình không!? Em là đứa ngu ngốc! Đã đi được đến đó mà lại không đậu nổi một giải nhỏ ở một cái tỉnh nhỏ!. Và mình sẽ khóc. Em muốn đi tiếp thầy ạ! Nhưng em đã không làm được. Nhưng chắc thầy không mắng đâu. Thầy chỉ buồn. Và mình sẽ thấy tội lỗi mãi.


Hay mình không bao giờ đủ nhiệt huyết như trước để tiếp tục ôn thi đại học. Vì mình đã không đi hết con đường muốn đi. Kì thi thì xa lắm, mà nỗi buồn lại rất gần. Mình sẽ tự tha thứ cho sự lười biếng và ngu ngốc của mình bằng lí lẽ như thế.


Chiều, rong ruổi trên phố. Chưa khi nào mình lại thấy những con đường đẹp đến dường ấy. Hai hàng cây ôm chầm lấy con phố dài. Trông con phố đẹp tựa một bức tranh nào đó xa trong kí ức. Ngày bé, tôi hay vẽ tranh về những con đường. Những con đường có lắm màu sắc, cây không phải lúc nào cũng màu xanh. Đôi khi có người đi trên phố, có lúc có nhà ven đường. Nhưng đôi lúc lại không có ai hay cái gì cả. Đơn giản chỉ là con đường và hàng cây. Và tôi cũng không vẽ phía cuối con đường, cũng như không bao giờ vẽ chân trời. Phía cuối cái gì ấy, tôi luôn vẽ một khoảng mù không.


Trong khoảng mù không ấy có cái gì nhỉ? Khát vọng!? Hay sự mệt nhoài!?

29-11-2009
Tường Vi

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Hạnh phúc khi có một con đường


Nếu có một con đường...

Nếu không muốn đi hết con đường...
Nguyễn Phong Việt

Hạnh phúc khi có một bài ca để hát
Lúc chán chê mọi âm thanh giả dối của cuộc đời
Khi tiếng Môda réo rắt vang
Ta biết còn có những chân thành trên đời cho ta trân trọng

Hạnh phúc khi có một cafe để đến
Nhấp li nâu và lắng lại những mỏi mòn
Xoay xoay cánh hoa chợt rơi vào tách
Và biết có những miền thanh thản bao nhiêu

Hạnh phúc khi có một ngôi nhà để về
Dẫu phút giây trẻ con bỏ đi rong cũng nghĩ đó vẫn là tổ ấm
Lúc chùn chân có nơi để vác xách về gõ cửa
Dặn lòng thôi yêu một người vẫn biết còn có nơi yêu ta hết cuộc đời

Hạnh phúc khi có một ngày mai để sống
Đặt lưng nằm thanh thản biết còn thời gian sau giấc ngủ dừng chân
Bỏ bữa cơm đi lang thang vì biết còn bữa cơm khác
Thôi nhìn một người để nhủ với lòng: “Chỉ hôm nay thôi!”

Hạnh phúc khi có một con đường để bước
Dẫu gập ghềnh hay vực thẳm đầy vơi
Cũng biết mình có một con đường cần đi hết
Và vực dậy niềm tin sau lúc mệt nhoài

Hạnh phúc khi có một cuộc đời để sống
Dẫu chỉ tay có đứt giữa đường đời(*)
Cũng cảm ơn người cho ta hơi thở
Cho ta ngắm nhìn vạt nắng đầu xuân.
12-11-2009
Tường Vi
(*)Đàn ghita của Lorca