Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Nếu biết xa nhau



Nếu ngày xưa tôi biết phải xa anh vào một ngày mùa hạ như thế, vào mùa dông, tôi sẽ bớt lạnh lùng với cuộc đời hơn.


Ngày tháng qua đi, hạnh phúc đến, niềm đau cũng đến. Cuộc sống cứ trôi, chỉ có kỉ ức nằm lại, không ai muốn nhìn về nó. Những ai hay nuối tiếc quá khứ, nguời ta hay gọi là những kẻ hoài niệm chậm chạp của cuộc đời.


Thật tội nghiệp cho kí ức!


Những đêm buồn vắng lặng này,, tôi hay tắt đèn từ rất sớm, nằm nghe đài hoặc nghe nhạc từ điện thoại. Tiếng nhạc như vẳng đến từ xa rất xa. Và tôi chỉ muốn nhớ về những gì đã qua.


Xin lỗi hôm nay, xin lỗi những ai yêu thương tôi và những ai tôi thương yêu ngày hôm nay. Vì những lời này dành cho quá khứ!


Qúa khứ hiện ra trong tôi không đong đầy hạnh phúc. Tôi là một người hay nhanh lãng quên hạnh phúc, nhưng ghi nhớ rất lâu mất mát và đắng cay. ví như vị ngọt của nụ hôn ngày ấy, tôi đã rất nhanh quên. Còn nỗi đau chia cắt, bao tháng ngày rồi, tôi vẫn chưa thể để nó ra đi.


Tôi vẫn còn yêu mùa đông sau khi không còn anh nữa. Tôi vẫn thích mua quần áo mùa đông hơn mùa hạ. Tôi vẫn thích mua sắm đồ đạc tối màu hơn sặc sỡ. Giọng nói và đôi mắt tôi vẫn buồn như bao ngày. Tất cả, đâu phải vì anh!



Những người yêu thương tôi hay phải sẻ chia cái tạng người buồn thê thiết của tôi, phải gánh vác giúp tôi nỗi buồn sâu kín trong lòng mà nhiều khi, tôi cũng không ngờ rằng mình buồn nhiều như vậy. Có người chịu đựng được, nhưng có người thì không, dẫu yêu thương to lớn ra sao. Dẫu sao cũng thật tội nghiệp họ. Cuộc đời mỗi người đã bao nỗi buồn. Cớ gì phải gánh vác thay người khác?


Anh cũng vậy. Suy cho cùng, cũng không thể gánh thấu nỗi buồn của tôi thôi.


Nếu biết phải xa nhau vào một ngày mùa hạ như thế, mùa đông, tôi sẽ đan cho anh khăn choàng và áo ấm. Anh không có một chiếc áo ấm nào cả. Đến bây giờ cũng vậy, vẫn phong phanh suốt hai mùa đông qua.


Tôi sẽ cười ấm áp hơn, bớt lạnh lùng hơn trong những câu nói phũ, bớt tỏ ra dại khờ hơn. bớt đợi anh chỉ bảo cả những ngọt ngào...


Dẫu sao, cũng đã không còn nhau nữa...

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Đi dưới cơn mưa


Đi dưới cơn mưa, ta mới biết nỗi buồn nằm sâu thẳm nơi đáy tim ta là gì.

Vừa lúc tan học chiều nay thì trời đổ mưa to. Mưa đầu mùa SG rất dữ dội và đầy mùi nắng. Đi dưới cơn mưa, tôi lại nhớ đến tháng 6 được ngồi sau lưng anh. Lưng anh cao, vai vừa cao đến cằm tôi. Ngồi sau tôi ngêu ngao hát suốt cơn mưa. Hình như, đó là lần duy nhất tôi được hát trong một cơn mưa đẹp đến thế. Lúc ấy, SG đã chìm sâu vào mùa mưa. Cơn mưa đã có thể khiến con người thấy lạnh. Tháng 6 lại sắp về nữa rồi.

Lại một mùa mưa sắp đến. Và tôi vẫn sống quạnh quẽ thế này đây.

Chạy xuyên qua cơn mưa mà chỉ mặc một chiếc sơ mi trắng ngắn tay, mưa giội vào người tôi đau buốt. Tôi chợt nhận ra rằng không hẳn những thân thuộc khiến ta nhung nhớ nhiều hơn những ấn tượng đậm sâu. Và tôi nhận ra, hoá ra lòng mình còn đau nhiều thế. Hoá ra lòng mình còn rất nhiều nỗi đau mà rất nhiều lúc, tôi ngờ rằng mình đã quên, tất cả.


Trong tiềm thức tôi, tôi rất sợ tháng 6. Chưa từng có một tháng 6 nào tôi từng đi qua để lại niềm nhớ mà nhiều tháng ngày sau, tôi muốn nghĩ về. Và tháng 6 vừa qua đây cũng nằm trong chuỗi tháng 6 ấy. Một tháng 6 tôi chỉ muốn nhanh chóng biến mất khỏi tiềm thức mình. Nhưng sao cứ nhớ mãi...

Tôi đang sống trong những ngày tháng lặng lẽ và thiếu vắng đáng buồn của tuổi trẻ. Tôi không giống những cô gái khác, ngủ dậy là vớ ngay lấy cái gương. Tôi không thích soi gương trong phòng kín. Tôi chỉ thích ngắm mình qua gương ở nơi công cộng nào đó, trong dáng điệu tất tả hay bình yên. Đó mới là tôi.

Muộn phiền, chóng vánh, vất vả, buồn vui sinh động trên nét mặt. Đó mới là tôi. Kể cả nỗi buồn cũng là biểu hiện của sự sống. Không phải một tôi với những cử động chậm chạp trong một căn phòng kín.

Thực ra, chiều nay SG không mưa. Mùa mưa SG đang đến. Nhưng không phải chiều nay. Và mùa mưa mới này, tôi chưa hề đi dưới một cơn mưa.

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Bấy nhiêu thôi!

Định sẽ không viết gì cả, nhưng, chợt nhiên, nhiều cảm xúc quá!

Chợt nhiên sáng nay, em yếu đuối quá. Bỗng nhiên nghĩ, đời mình chỉ còn bấy nhiêu thôi, chỉ còn hai người để tìm về, một Hà Nội, một Sài Gòn. Đời cũng có lúc cô quạnh đến thế. Mỗi khi có ai đó đi ra khỏi đời em, nếu lí trí cho em thấy người ấy không tốt cho cuộc đời mình, hoặc người ấy sẽ không thể gắn bó lâu dài được với mình, em hay tự an ủi lòng mình rằng: "Không sao đâu! Rồi sẽ có một người khác! Rồi mình sẽ tìm ra thế giới của mình, ở đâu đây thôi!". Và rồi em để người ấy đi, một cách dễ dàng đầy ích kỉ và tự tôn.

Để đôi lúc thế này, thấy đời mình chỉ còn có bấy nhiêu thôi!


1. K.

Em ghét nụ cười của anh. Nụ cười ngạo mạn khiến em không tài nào nén nổi sự tự ái của mình xuống. Và cũng không tài nào quên nổi. Ở đâu đó trong con người anh, em chưa nhìn thấy một sự tôn trọng em đúng mức. Cũng có lẽ vì em kiêu kì quá, và anh cũng là một người giàu lòng tự trọng.

Để những lúc buồn thế này đây, những lúc tháng Sáu đến gần thế này đây, những lúc thi thoảng, cơn mưa đầu mùa hay quấy nhiễu giấc ngủ em, em thấy đời mình cô quạnh quá! Đôi lúc trong đời, những việc đơn giản kiểu như ly cafe thứ 7 không biết san sẻ cùng ai, khay kimpap làm ra chẳng biết khoe ai cả, những bản nhạc buồn, sự dừng lại trong học tập, những khó khăn trào nước mắt,... chẳng biết sẻ chia cùng ai và tìm được ai hiểu nổi lời mình nói.

Giống như sự tổn thương nhẹ nhàng má gây ra cho em. Má bảo em sống phức tạp quá. Bởi thế nên đời cứ mãi quạnh quẽ và nhiều sứt mẻ đi qua. Cũng phải! Quan hệ giữa người với người đâu phải cứ cố gắng đơn giản hóa thì rằng nó sẽ đơn giản đi. Và người ta, mấy ai có thể hiểu được mình để không trách cứ. Có ai muốn đời mình thành ra vậy đâu.

Những tổn thương đột ngột hay làm ta rơi nước mắt, nhưng sự tổn thương nhẹ nhàng mà sâu sắc mới khiến ta ghi nhớ dài lâu.

Như nỗi buồn hằn lên gương mặt anh khiến em không thể nào quên.


2. B.

Tự dưng gần đây em nghĩ, em đã từng bao giờ cảm nhận được sự dịu dàng B dành cho em chưa nhỉ!? Em không rõ nữa. Anh với em như một sự thường tình quen thuộc, đến nỗi quên mất rằng với bao người khác, chúng ta là gì đó thật đặc biệt với họ. Ngày nào đó, nếu B có người yêu, chắc em sẽ buồn lắm. Vì hằng đêm không còn ai nói chuyện với em, và mỗi ngày, không còn một cái tên thật đặc biệt hiện lên  đều đặn trên list tin nhắn điện thoại của em. Và em biết, nếu em có người yêu, B cũng sẽ buồn như vậy :)

Cứ vậy nhé, B! Có B, cuộc sống của em giản dị và ấm áp lắm! Cám ơn B thật nhiều vì sự ấm áp này!

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

"Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau..."


Những ngày này, tôi bị hội chứng của sự tan vỡ. Kể từ sau khi rơi nước mắt bởi tập 4 và 5 của "Mặt trăng ôm mặt trời. Tôi bắt đầu tìm đến những bài nhạc chỉ cần vang lên có thể khiến trái tim ta tan vỡ ngay, những bài thơ có thể vang thành giai điệu da diết trong lòng ngay cả khi đọc lần đầu tiên, những cuốn sách bất hủ với những câu nói bất hủ mà mỗi chúng ta nhìn thấy mình trong ấy, ở bất cứ thời điểm nào của cuộc đời.


Và bắt đầu nhiều tiếng đồng hồ một mình trong không gian kín với nước mắt.


Xã hội ngày càng đi đến điểm cùng của nó. Những giá trị tốt đẹp chỉ còn trong dĩ vãng và niềm tiếc nuối của mỗi chúng ta. Khi mà mỗi bộ phim ra đời đều gắn mác bom-tấn hoặc không-bom-tấn để thu hút sự chú ý của người xem. Mỗi tập phim phát sóng xong, ratting trở thành sự quan tâm cấp bách nhất của nhà sản xuất. Âm nhạc cũng vậy. Sân chơi cho âm nhạc chính thống và sống mãi với thời gian ngày càng ít. Độc giả chỉ còn quan tâm xem trên sân khấu, cô ca sĩ này mặc váy ngắn đến đâu, chân có dài không, ngực có bốc không, có lộ hàng không, sau khi lộ hàng thì ai lên tiếng và ai phạt. Sự kiện cô ca sĩ nào đó bị lộ hàng, xin lỗi và đợi bị phạt kéo dài cả chục bài báo hoặc nhiều hơn thế nữa và trải trên tất cả các trang mạng. Còn sự kiện gì đó của âm nhạc chính thống nói riêng và nghệ thuật nói chung chỉ vỏn vẹn 1 cái tin thông báo ngày giờ, địa điểm và cái tin thông báo thành công tốt đẹp với giải thưởng thuộc về ai đó hay bài hát gì đó.


Gần đây nhất, sự kiện bé Quỳnh Anh bị búa rìu dư luận vùi dập. Đành rằng giọng hát của bé không tốt. Nhưng có bao người khác tham gia VNs got tallent có giọng hát không tốt, tại sao lại là bé? Lỗi phải gì cũng ở người lớn. Cả những lời nói của anh trai, ba và mẹ cũng là người lớn. Sự phản pháo của ban tổ chức chương trình chẳng phải cũng là của người lớn hay sao? Một đứa bé mới 15 tuổi, em biết phải làm gì khi mọi chuyện diễn ra như thế!? Suốt quãng đời còn lại sau này, em có còn dám bước lên sân khấu nào nữa hay không?


Tôi nhớ đến lần cuối cùng trong đời mình đầu tư cho một bài nói trước đám đông và dũng cảm đứng lên trước đám đông nói lên những gì mình nghĩ. Ấy là năm lớp 11. Khi ấy, tôi 17 tuổi, để bênh vực cho một ai đó tôi đã từng tin trong quá khứ. Sau đó, không có chuyện gì quá lớn xảy ra. Giải thưởng chung cuộc không thuộc về tôi hay người cùng thi với tôi. Nó biến thành món quà trao đều cho cả hai. Vì, kết quả ban đầu, giải nhất được dự định sẽ trao cho tôi. Nhưng sau bài nói của tôi, tất cả đã tan vỡ. Không một tiếng vỗ tay, không một lời chê bai từ khán giả. Bài nói của tôi kết thúc trong sự xôn xao, nhìn nhau của tất cả. Và tôi, đó là lần cuối cùng tôi ngẩng cao đầu bước lên và xuống một sân khấu. Và thầy cô giáo tôi, không một lời khuyên răn, chỉ có nụ cười trao cho tôi. Nụ cười với nhiều cung bậc mà đã 4 năm trôi qua, tuổi của tôi đã dày lên theo sự đen đúa của làn da và sự câm lặng của suy nghĩ, tôi vẫn không thể nào phân tích thấu nổi nụ cười ấy.


Và về người ấy - người mà tôi đã từng tin, nghĩa là bây giờ không còn tin nữa. Cũng là một sự đổ vỡ lớn lao trong đời tôi, mà có lẽ suốt đời này tôi sẽ không quên.


Sẽ không quên!




Em trai tôi bước vào ngưỡng tuổi 16. Còn bé dại đến nỗi còn cho rằng lời răn dạy của ba mẹ là dạy đời. Em tôi chưa thể hiểu rằng nếu ba mẹ không là người dạy mình, thì còn ai có đủ tư cách dạy nữa? Và nếu em không thấm thía những bài học bây giờ ba mẹ dạy, thì chỉ vài giây phút sắp tới trong đời thôi, khi em vấp ngã vì bồng bột, sự trả giá ấy đắt lắm em ạ! Đắt hơn gấp vạn lần một cái tát hay vài câu mắng của ba mẹ. Bởi vì, không ai trên đời này sẵn sàng dạy dỗ em những bài học vô giá như ba mẹ. Em đi học mỗi ngày ở trường, cũng phải trả bao nhiêu chi phí. Và sau này, càng lớn, chi phí cho mỗi điều em học được sẽ ngày càng đắt theo tuổi đời và những nơi em sẽ đến.


Em tôi 16, bé dại như thế. Và tôi ngày 17, cũng ngây thơ đến vậy. Thì hỏi Quỳnh Anh 15, được cưng như trứng từ bé, em sẽ đối diện thế nào với bài học đầu đời này?!


Xã hội này, trong đôi mắt non nớt và chật hẹp của tôi, ngày càng ít những giảng đường mà người ta có thể hét lên trong tình yêu và niềm nhiệt huyết với nó. Đã lâu, từ ngày biết lớn, tôi không còn đủ ham thích để dang tay hét lên với bất cứ điều mới mẻ gì. Những gì tôi học được, phải trả giá bằng nước mắt, đau khổ và sự co cụm, tiêu biến cái tôi theo ngày, theo tháng. 


*
*        *


Cô độc đẩy tôi vào những khúc tình của Trịnh. 


"Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau..."


Và sau hết những mất mát, đau lòng, thì Scartlet vẫn tự đứng lên và nói: "Suy cho cùng, thì ngày mai cũng là một ngày mới...".


Và ngày sau, sỏi đá và chiếc mùi xoa của tôi sẽ về với tôi.