Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

- Thông là loài lá kim đó, bạn à!


Cảm giác bỗng dưng có một cái gì trở nên quan trọng ùa vào lòng mình thật ra không dễ chịu. Giống như cảm giác khi chạy xe ngang những đồi thông ngoằn ngoèo, trên đầu, mưa bụi lất phất rơi, mình ngây thơ nghĩ, những hàng thông vững chãi này sẽ che hết mưa nắng cho mình. Nhưng thực tế không phải như vậy.
- Thông là loài lá kim đó, bạn à!
Như việc tự dưng mình đi tin rằng mọi sương gió ở đời này, có một người sẽ che chắn hết cho mình. Như đứa trẻ tin rằng cô giáo là cô tiên. Mình thì tin rằng người đó là thông-của-mình.
Dù thông chỉ là loài lá kim.
Mà thôi, kệ!

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Anh!

Em chỉ ước sao mình có đủ lí do để quên hoặc có đủ lí do để nhớ. 

Vì sao những quan tâm em nhận được mỗi ngày, mỗi đêm là của những người đó chứ hoàn toàn không phải của anh? Vì sao những chiếc xe em leo lên đi đến mọi nơi là của những người đó chứ hoàn toàn không phải của anh?  

Vì sao chỉ có ánh mắt của anh, hình hài của anh, giọng nói của anh, những câu chuyện anh nói làm em xao xuyến, em nặng lòng, chứ hoàn toàn không phải của những người đó? Vì sao giữa những giao lộ, em bật khóc chỉ mong một sự níu kéo từ anh chứ không phải của những người đó? Vì sao có những khi em muốn chết thế này, em không biết phải tiến hay thoái, em không nên nhớ mà cũng chẳng thể quên?

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Vậy thì, chúng ta có nên đánh động những nỗi đau?


Em nhận ra lòng em không hề bình yên như em vẫn tưởng. Hoặc giả, em vốn biết mình không hề bình yên, nhưng em tự trọng quá.

Em nói dối đấy. Em vẫn còn điều muốn có cho bằng được, muốn đến phát khóc, muốn đến òa lên như con trẻ. Nhưng giống như cách hai đôi bàn tay cũ kĩ đặt cạnh nhau mà không thể đan vào như ngày xưa. Giống như cách hai cơ thể thân thuộc ngồi cạnh nhau mà lạnh lẽo như hai bức tượng, em không thể xoay sang ôm lấy như ngày xưa. Giống như lúc này đây em đang rối bời trong nước mắt, nhưng stt này em ẩn với anh, em không thể giãi bày với ai. Sự xa lạ cũ kĩ này vẫn khiến em bàng hoàng.

Em, em có thể QUÊN chứ?

Em có thể QUÊN chứ?
Em có thể QUÊN?

Vậy thì, chúng ta có nên đánh động những nỗi đau?


Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Đã rất lâu rồi, phải không anh!

Trong cơn mộng mị sớm nay, mình bỗng thấy mình ngồi dưới gốc hoa sứ ở cafe Sách cũ. Li đen nhỏ tí tách. Trên cao, mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên vào vòm lá. Và cạnh mình, một người đang vòng tay qua đôi vai gầy của mình, nhả khói thuốc vào hư không.
Một ngày như thế, thật êm đềm.

Đã rất lâu rồi, phải không anh!

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

"Ngoài đời sương gió, tội lắm đôi vai gầy..."




Tôi bắt đầu hiểu những điều giấu kín trong đôi mắt má tôi nhiều năm qua, khi ba tôi biền biệt suốt những tháng năm tuổi trẻ. Sài Gòn, Phan Rang, Đắk Lắk, Nha Trang, Bảo Lộc, Hà Nội, Sơn La, Camp, Thượng Hải, Lào.... Ba tôi từng bảo không còn nơi nào trên đất nước mà ba chưa từng đặt chân đến, cũng như không còn món ăn nào của dân tộc có thể khiến ba lạ lẫm. Nhưng ba tôi không nhắc đến điều ấy với sự tự hào, vui vẻ, mà bằng đôi mắt lạc lõng, mỏi mệt, giấu buồn. Từ ngày bắt đầu yêu nhau vào năm 18 tuổi, ba má tôi đã bắt đầu xa nhau. Những cánh thư ở lại, đến giờ ba má tôi vẫn giữ (thỉnh thoảng tôi đọc trộm, chữ ba tôi rất đẹp và thư rất hay). Đã 30 năm trôi qua, ba tôi vẫn đốt thuốc nơi núi rừng, còn má vẫn một mình bươn chải, vất vả và cô đơn.

Đầu tuần này, khi chạy xe trên quốc lộ 51 về Sài Gòn vào sáng sớm, tôi trông thấy bóng vài người đàn ông ngồi co ro bên vệ đường, vai mang ba lô, tay cầm túi nhỏ (chắc là túi thức ăn gia đình gói ghém đưa theo), xung quanh, sương giăng lạnh lẽo. Tôi chắc đó là những người đàn ông đi làm xa nhà (Sài Gòn chẳng hạn), sáng đầu tuần bắt xe về chỗ làm. Đó là dáng hình quen thuộc của ba tôi nhiều năm qua. Ba tôi thường đi vào sáng sớm, sau mỗi chuyến thăm nhà, và trở về vào những buổi tối, tóc dài ngoằng, người đen đúa nắng gió, bụi đường. Mỗi năm, ba tôi về khoảng 6, 7 lần vào những dịp giỗ vải. Từ ngày ông bà tôi mất, ba tôi năng về hơn, vì không còn người cúng kính, và lại thêm hai cái giỗ hằng năm. Hành lí của ba tôi gồm một vali, một túi xách và một túi nhỏ đựng quần áo bẩn sau những chuyến đi đường dài. Vali – hành lí đẹp nhất của ba tôi – lúc nào cũng dùng để đựng quà cho gia đình. Ngày còn bé, lần nào ba về, tôi cũng chạy ra ngõ reo lên và cầm hộ vali của ba. Khi tôi lớn, và em trai tôi biết đi, em trai tôi cũng làm y như vậy. Ngày trước, ba tôi không bao giờ mua quà cho má tôi sau những chuyến đi, ba chỉ mua quà cho ông bà và chị em tôi. Hai năm trở lại đây, khi tôi và em trai tôi lớn, ba tôi mới mua quà cho má tôi. Lần nào, má tôi cũng cằn nhằn bảo đắt, phí. Nhưng má tôi rất vui. Cũng một năm trở lại đây, ba tôi mới chở má tôi đi dạo phố vào những chiều ở nhà. Ngày trước, chiều nào cũng tất tả đủ việc. Bây giờ, chị em tôi đã tự biết lo cho mình, đã có hạnh phúc riêng của những đứa con trưởng thành, ba má tôi mới trở lại với hạnh phúc của mình. Rồi sẽ còn được bao nhiêu buổi chiều, ba má tôi có thể sóng bước bên nhau như vậy? Rồi sẽ còn bao lần bạc thếch bụi đường, ba tôi mới dừng mỏi mệt? Rồi sẽ còn bao lần đau bệnh một mình, má tôi mới hết cô đơn?

Có vài lần ba tôi gặp tai nạn lao động mà tôi còn nhớ. Đó là lần cẩu bị gãy, rơi chết ngay người đứng bên cạnh ba tôi. Lần nổ lò hơi chết rất đông công nhân. Lần lưỡi cắt máy xay sắn cắt vào ngón giữa và ngón áp úp bàn tay phải của ba. Đôi bàn tay khéo léo và nghệ sĩ của ba tôi từ độ ấy không bao giờ có thể gảy guitar được nữa, không vẽ được nữa, và mất nhiều tháng mới làm việc trở lại. Cây đàn của ba tôi đóng bụi từ thuở ấy, giấy bút vẽ kỹ thuật cũng được cất kĩ. Năm ấy, tôi chừng 7 tuổi. Lần đồng đội của ba tôi cùng đi khảo sát công trình rơi xuống bể bioga bỏng chín cả người. Ba tôi kể, năm ấy, đốt giấy cúng anh ấy nhiều đến cả một chiếc tải nhỏ. Anh ấy qua đời, để lại vợ và hai đứa con nhỏ, chưa đứa nào vào tiểu học. Lần ba tôi ngồi trên xe tải chở sắn, đi từ rẫy về nhà máy, bị một chiếc tải chở gỗ quẹt gỗ vào đầu, rơi xuống chấn thương sọ não. Lần ấy, má tôi theo ba tôi ra Quy Nhơn điều trị. Đó là lần đầu tiên má tôi đi xa chị em tôi. Em tôi bị sốt xuất huyết, hầm hập cả tuần mà không hết. Mỗi lần em tôi sốt cao, tôi chỉ biết khóc, vì thương em tôi quá, thương ba má quá. Đó là những năm tháng không thể quên trong thời thơ ấu của tôi.

Tôi hiểu điều gì đau đáu trong đôi mắt buồn của má. Tôi hiểu những mỏi mệt của ba. Tôi hiểu điều ba má tôi muốn nói. Tôi hiểu vì sao ba má tôi ngăn cấm tôi theo nghề báo. Tôi hiểu vì sao ba má tôi cấm tôi yêu nghệ sĩ. Tôi hiểu vì sao ba má tôi cấm tôi yêu những gã cũng có cuộc đời lấm láp bụi đường như ba tôi. Trời sắp đặt để tôi giáp đúng một cung tuổi với má, dáng vóc, ánh mắt giống hệt má. Có lẽ nào, tôi cũng sẽ có số phận như má tôi?

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

"Và khi tro bụi rơi về..."


Tôi luôn nghĩ rằng, nếu thật sự có kiếp sau, tôi cũng không bao giờ muốn đầu thai và mang nặng thêm một kiếp nào nữa.

Kiếp này tôi đã đau bao nhiêu?
Tôi còn rất trẻ. Những đau đớn thấu tim gan trong đời còn ở phía trước. Vài điều không như ý ở 20 năm đã qua không khiến tôi ngừng tin vào vẻ đẹp của tuổi thơ. Nào ai biết ngày mai có những gì đang đợi mình? Nhưng, nếu thiếu đau đớn, đắng cay, vấp váp, thất bại, chúng ta đâu còn là sinh linh, chúng ta đâu tồn tại.

Kiếp này tôi đã hạnh phúc bao nhiêu?
Tất nhiên là riêng về niềm hạnh phúc, tôi luôn tin vào cả những hạnh phúc đã, đang và sẽ có. Cả niềm đau đã qua, đôi lần cũng đã/sẽ khiến tôi cười vào một lúc nào đó về sau, khi nhìn lại. 



Mối tình đầu - Như đi trên cát - Bước nhẹ mà sâu

 Khi phải sống một cuộc đời khác, tôi sẽ quên tất cả sao? Tôi sẽ phải quên cha mẹ tôi, tôi phải làm con người khác? Tôi sẽ phải quên em trai tôi, sẽ phải làm chị/em của một người người khác? Tôi sẽ phải quên ông bà tôi, quên hơi ấm bà nhiều năm thơ ấu ủ ấm tôi, quên chòm râu bạc phơ của ông mà tôi luôn thích vuốt? Tôi sẽ phải quên mối tình đầu - như đi trên cát - bước nhẹ mà sâu? Tôi sẽ phải quên chồng tôi, người sẽ sống cùng tôi, yêu thương tôi, trải bao ngọt ngào, cay đắng của rất, rất nhiều năm trước mắt? Tôi sẽ quên con trai tôi, con gái tôi? Tôi sẽ là vợ, làm mẹ của người khác, sẽ sống trong một căn nhà khác, chăm một khu vườn khác, làm một công việc khác, có những người bạn khác? Tôi sẽ quên tất thảy những ngày tươi đẹp ở kiếp này? Tôi sẽ quên chính tôi?

Không! Tôi chọn tan thành tro bụi. Tôi chọn nhung nhớ, chọn khóc, chọn cười với những yêu thương kiếp này đã có.



"Và khi tro bụi rơi về
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương"
(Henry Vaughan)

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

"Biển vẫn cậy mình dài rộng thế..."

Tôi cảm thấy rất quý những chia xa, dù là chia xa tạm thời hay vĩnh viễn đi nữa.

Những ngày về ngắn ngủi, cả nhà tôi đều ngủ với nhau, dù 2 con đều đã lớn và có phòng riêng. Rồi mai này, tôi và em tôi sẽ lập gia đình và sẽ ngủ với người khác . Những tháng năm bé dại, vờ làm nũng mẹ đang dần ngắn lại trong đời. Bởi thế, vì sao ta không quý?

Những ngày có ai đó trong gia đình sắp đi xa, gia đình tôi bỗng tĩnh lặng hơn mọi ngày. Người đi bắt đầu nghĩ về những việc đang đợi mình ở một thành phố khác, nghĩ về Tuy Hòa chưa xa đã nhớ. Còn người ở lại, cố chuẩn bị mọi hành trang có thể cho người sắp đi. Bởi những ngày đi đầy buồn bã như thế, đôi khi ba tôi trở nên mỏi mệt, còn tôi cố kiềm bản năng bay nhảy của mình. Để những người còn lại trong gia đình bớt lo toan. Để được bên nhau.

Bên nhau trong đời thật hữu hạn. Còn gần nhau được bao nhiêu, chỉ biết cố yêu thương nhau hết lòng. Biết đâu, bỗng dưng ta lại đánh mất nhau giữa đời này.

Có người sắp đi...

THƠ VIẾT Ở BIỂN

Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là mây mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em.

HỮU THỈNH

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

"Có bình yên nào không xót xa"?


Tôi bắt đầu hình thành ý niệm thích được ôm không sớm lắm. Ấy là mùa hè năm lớp 8, ông tôi mất. Ông tôi mất vào tháng 7. Tháng 7 quê tôi rất nóng. Nhưng k hiểu sao những ngày đưa ông tôi đi lại đầy sương về đêm và sáng sớm. Sự ra đi đột ngột của ông khiến các thành viên trong gia đình tôi yếu đuối hẳn đi. Buổi chiều cuối cùng trước khi đưa ông đi vào sáng mai, mặt trời xuống từ sớm, trời nổi gió, mưa lất phất và lạnh. Tôi ngồi một mình ngoài cổng, phía trong, mọi công việc cúng kiếng vẫn đang diễn ra, tiếng khóc sau 2 ngày vẫn chưa ngớt, cứ âm ỉ vọng ra. Tôi nghĩ về sự neo đơn, lạnh lẽo của gia đình mình khi không còn ông. Tôi nghĩ về tiếng dép loẹt xoẹt của ông mỗi sáng sớm và chiều tối, mà giờ vĩnh viễn không còn nữa. Tôi nghĩ về chiếc xe đạp suốt đời của ông giờ đây ai sẽ đi. Tôi nghĩ về vườn rau, vườn sắn, đàn gà...ông trồng... Và bỗng dưng thấy trống trải vô tận. Sau đó tôi lại khóc, một mình. Và tôi ước có một người ngồi đây nghe tôi khóc, rồi sẽ ôm tôi. Nhưng hẳn nhiên, một người nào đó đã không đến vào lúc đó.


Hai năm sau, bà tôi cũng qua đời. Cảm giác quạnh quẽ, tủi thân ấy lặp lại. Và cũng không ai ôm tôi. Nhưng đã có người ngồi bên tôi vào buổi chiều đầu năm lạnh lẽo ấy. Đó là bạn thân của tôi. 

Từ năm 16 tuổi, chứng kiến sự ra đi của 3 người quan trọng (1 người nữa là H, cậu bạn thân niên thiếu của tôi), tôi bắt đầu nhận ra cuộc sống rất mong manh, chúng ta có thể đánh mất nhau vào một phút giây mong manh nào đó. Tôi cũng nhận ra mình yếu đuối vô cùng, con người yếu đuối vô cùng, cần dựa vào nhau mới không đổ ngã. Hành động dựa vào nhau ấy, với tôi, là những cái ôm.

Tôi thích ôm người đã lâu không gặp, thích ôm bạn bè, ôm người thân, ôm người yêu. Tôi thích ôm cả lúc buồn và vui, khi mừng rỡ, khi nũng nịu, khi thân tình, khi thấy thương nhau vô hạn, khi thấy thương mình vô hạn...

Giữa những chiều đầy gió như thế, phải chăng sẽ luôn có người đến bên tôi?

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Kẹo đắng

Nhóc 3 tuổi nhà tôi mỗi khi buồn rất thích được ôm. Chỉ cần bế nó vào lòng, nó sẽ ngoan ngoãn vòng tay ôm và dựa đầu vào vai người lớn. Rất nhanh, nỗi buồn con nít của nó mềm đi như một con mèo.

Thật ra, tôi nghĩ, ai cũng cần được ôm và an ủi những khi buồn. Ai cũng muốn được nằm yên bất động trong lòng một ai đó, chờ nỗi đau nguội đi. Nhưng có phải lúc nào, giữa đời này, cũng sẽ có người đến bên dang tay ra những khi ta cảm thấy cần một bờ vai?


Ước gì những cơn thất vọng, những nỗi đau buồn của người lớn cũng giản đơn như việc con nít bị rơi mất túi kẹo trên đường đi học về hay bị hỏng món đồ chơi nào đó, dỗ dành thì có thể nguôi ngay, và có thể mua lại túi kẹo khác, món đồ chơi khác. Làm người lớn, ngay đến một viên kẹo cũng không còn ngọt như kẹo của con nít. Viên-kẹo-của-người-lớn mang trong mình rất nhiều câu chuyện, rất nhiều đau lòng. 

Hèn chi mà càng lớn càng không còn thấy kẹo ngon như ngày bé nữa :)

Thèm ôm lắm!

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

"Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ, nhưng cứ phải quên"



Diễm của những ngày xưa

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học văn khoa ở Huế.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu.

 


Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.

Ðó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Ði đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Ðịnh hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.


Trịnh Công Sơn

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Tự vấn

Tuổi trẻ dần lấy đi hết những mơ ước thiếu thời của tôi.

Cũng chừng này khoảng 4 năm trước, tôi giàu mơ ước lắm. Cả niềm tin nữa! Ấy là cái thuở mà con người sống trong những giấc mơ đẹp nhất thời niên thiếu. Thời ấy, tôi viết sung sức lắm. Chất viết thì chẳng bằng ai cả, nhưng sức viết dồi dào vô cùng. Gì cũng viết được :) Đôi khi có cảm giác nếu mà bị cấm đọc và không viết được nữa thì chắc là chết mất. Ấy thế mà, hơn hai năm sau đó, tôi bỏ viết. Bỏ hẳn! Cũng không hiểu là vì mình hồi nhỏ ngớ ngẩn hay vì mình bây giờ yếu đuối nên đánh mất chính mình. Cuộc sống đôi lúc thật khó để nói nên lời...

Chừng này 3 năm về trước, tôi từng mơ ước mình sẽ có một hội bạn và một người yêu yêu phượt và nhiếp ảnh, để cùng sẻ chia với nhau đam mê và những cung đường. Chuyến đi để đời mà chúng tôi để lại sau những năm tháng đại học là xuyên Việt bằng xe máy, dĩ nhiên là với rất nhiều chặng dừng. Giờ đây, sắp kết thúc thời đại học, tôi không có được những người bạn quý ấy, cũng không hề mở lòng yêu ai. Sức khỏe cũng tệ đi hẳn, khiến tôi mất đi ít nhiều sự can đảm. Sự trưởng thành luôn đầy đắng cay.



Chưa bao giờ tôi phát biểu trước ai rằng tôi không hài lòng với ngành học của mình. Vì đó là sự lựa chọn của tôi. Chắc chỉ có gia đình tôi mới biết được rằng thời điểm đưa ra sự chọn lựa, sự minh mẩn của tôi đã đi chơi mất rồi :) Nhưng tôi không trách cứ, hối hận. Thay vào đó, tôi tìm cách khắc phục quá khứ. Biết đâu, có một định mệnh khác mở ra với mình sau mỗi sai lầm! Định mệnh luôn khó chấp nhận như vậy đấy.

Còn nhiều, nhiều ước mơ nho nhỏ nữa cũng dần chết. Tôi cũng dần chấp nhận được mình khô cứng, yếu ớt bây giờ. Mọi người đều như tôi hay chỉ có tôi là kẻ lạc dòng trên cõi đời này?

Sau tất cả, tôi còn lại gì?